Chuyển đổi số là lựa chọn sống còn đối với Ngành Du lịch nhằm thích ứng với những thay đổi sâu sắc sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mở ra hướng đi mới linh hoạt và bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, chuyển đổi số cần được triển khai một cách đồng bộ và nhất quán để tạo thuận lợi trong việc khai thác và vận hành các giải pháp mới.

Tăng tốc nhưng cần đồng bộ

So với giai đoạn trước, Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến đáng kể trong công tác chuyển đổi số tập trung vào các nền tảng, giải pháp để quản lý thông minh. Các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping hay các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không tiền mặt đều được đưa vào sử dụng. Gần đây, ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport đã được ra mắt,vừa ra mắt, giúp du khách dễ dàng khám phá các điểm đến nổi tiếng với những trải nghiệm mới mẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, du lịch địa phương đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc khai thác dữ liệu số. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dịch vụ và lữ hành vẫn chưa chú trọng áp dụng các công nghệ mới. Quá trình số hóa, cập nhật thông tin của một số doanh nghiệp còn diễn ra chậm và hạn chế.

Đây không chỉ là thực trạng của riêng du lịch Huế mà còn là thực trạng chung ở nhiều địa phương khác. Nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đều đã áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, nhưng vẫn đang loay hoay chưa biết làm từ đâu và làm như thế nào. Một số nguyên nhân khác là do nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu kém.

Thực trạng trên làm quá trình chuyển đổi số trong Ngành Du lịch còn diễn ra đơn lẻ theo mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ và thống nhất. Các hoạt động số hóa còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc

Trước thực trạng chuyển đổi số trong ngành du lịch ở Việt Nam vẫn diễn ra đơn lẻ kiểu mạnh ai nấy làm, trong năm 2023 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.

Nhiều nhóm nhiệm vụ chủ yếu được triển khai, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số dùng chung trong toàn ngành, trong đó có nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện…, phổ biến tài liệu mới hướng dẫn chuyển đổi số trong Ngành Du lịch.

Trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã phối hợp với các sở quản lý du lịch tổ chức tập huấn chuyển đổi số du lịch tại trên 20 địa phương. Mục tiêu là thống nhất nhận thức và hành động thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành theo chủ trương chung của Chính phủ, đồng bộ với hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, giúp tiết kiệm nguồn lực, tránh manh mún, rời rạc. Đồng thời cần phải có sự hợp lực từ các bên liên quan để tạo ra sự đồng bộ và thống nhất thì công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch mới có thể được đẩy nhanh và đảm bảo tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch là rất cần thiết. Cần tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu - điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số. Mặt khác, doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7.

Quán triệt quan điểm chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nhận thức đến hành động, thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất. Chỉ khi có sự đồng lòng, hợp tác và điều phối hợp lý, Ngành du lịch mới có thể khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi số và phát triển một cách bền vững.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Xem thêm:

>>> Chuyển đổi số Doanh nghiệp Du lịch: Khó hay dễ?

>>> Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch Nghệ An

Đăng bởi: Thùy Trang | 01 Tháng 10, 2024

Tin mới nhất