Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch cũng có nhiều vấn đề đặt ra và cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới.

Thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch

Thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg, ngày 30/11/2018 phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025", trong đó, nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh, xem đây là một trong những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.

Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệplàm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch.

Đối với doanh nghiệp du lịch, Ngành Du lịch chuyển đổi số không chỉ là một chiến lược tùy chọn, mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài và quá trình này gần như sẽ tác động lên toàn bộ doanh nghiệp từ tổ chức, con người cho tới mô hình kinh doanh.

Thích ứng với tình hình trong giai đoạn dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch cũng đã có những thay đổi. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ để vừa phòng dịch, vừa mang lại sự tiện lợi cho khách đang được các doanh nghiệp du lịch triển khai mạnh mẽ. Trong số các giải pháp công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, có thể kể đến một số xu hướng, như: ứng dụng mobile, trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, điểm đánh giá của khách hàng (Rating và Review), thực tế ảo (Virtual Reality)...

Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đạt được thành công số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến nâng cấp hệ thống chatbot, vận hành hệ thống bigdata trong phân tích và xử lý dữ liệu lớn; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản..

Điển hình như, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số toàn diện là giải pháp tốt nhất để giữ vững vị trí. Với chủ trương chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ mảng kinh doanh thương mại điện tử, doanh nghiệp cũng làm mới ứng dụng Saigontourist Travel và hệ thống thẻ khách hàng thân thiết (Mỹ Phương, 2021).

Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngành du lịch với định hướng, chính sách từ Nhà nước, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành kinh tế này. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách mà còn tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Một số khó khăn, hạn chế khi chuyển đổi số

"Bức tranh" chuyển đổi số trong Ngành Du lịch hiện vẫn đang triển khai một cách đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Doanh nghiệp du lịch lớn, các khách sạn và resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như: nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu.

Điển hình là, nhiều doanh nghiệp du lịch đối diện với sự thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ hoặc nhân lực. Các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Việc thiếu hụt các dữ liệu cần thiết như: báo cáo, phân tích thông tin… hay năng lực quản lý còn quá hạn chế, việc ứng dụng công nghệ cũng trở thành những thách thức vô cùng lớn với nhiều doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó là rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng… Đối với doanh nghiệp đang hoạt động khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn.

Ngoài ra, việc dùng quá nhiều phần mềm với các tính năng quản lý riêng biệt sẽ khiến dữ liệu không được đồng bộ. Chi phí bảo trì, nâng cấp tốn kém, mỗi phòng ban dùng một phần mềm sẽ khiến hoạt động nội bộ doanh nghiệp hạn chế, khó phát triển, duy trì trong thời gian dài. Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hiện còn chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch, hướng tới phát triển bền vững Ngành Du lịch, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và du khách giúp liên kết, hợp tác thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

Hai là, xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động nhằm định hướng tư duy đúng và cách thức triển khai phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, từ đó đạt được sự thống nhất và đồng bộ hệ thống.

Ba là, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

Bốn là, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu - điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

Năm là, ngành du lịch cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được.

Sáu là, để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.

Bảy là, doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7.

Đặc biệt, cùng với dịch vụ sẵn có, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho khách hàng có thể chủ động tự lên kế hoạch và thiết kế chuyến đi phù hợp với bản thân, gia đình và trên hết là đảm bảo tất cả tiêu chí du lịch an toàn.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Xem thêm:

>>> Chuyển đổi số Ngành Du lịch cần đồng bộ và thống nhất

>>> Chuyển đổi số Doanh nghiệp Du lịch: Khó hay dễ?

Đăng bởi: Thùy Trang | 01 Tháng 10, 2024

Tin mới nhất