Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ TT&TT, 4 đặc tính cần có của lãnh đạo thời chuyển đổi số là: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số” sáng 4/10. Nguồn ảnh LĐO Sáng 4/10, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số”.

Chuyên đề do Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày là một trong 15 chuyên đề trong Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho cán bộ công đoàn chủ chốt cấp tỉnh, thành, ngành Trung ương và trưởng các ban, đơn vị do Tổng LĐLĐVN tổ chức.

Tại buổi trao đổi chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày các nội dung liên quan đến lãnh đạo và chuyển đổi số như sau: “Sự khác biệt giữa triết lý Đông và Tây”, “Học hỏi trong thời đại chuyển đổi số”, “Quan hệ giữa quản lý và lãnh đạo”, “Chuyển đổi từ nhà quản lý thành nhà lãnh đạo”, “Đảng và vai trò lãnh đạo”, “Lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số: Từ tư duy ứng dụng công nghệ thông tin đến tư duy chuyển đổi số”, “Định nghĩa lại lãnh đạo trong thời chuyển đổi số”, và “Chuyển đổi số quốc gia”.

Một trong những nội dung quan trọng là “khiêm tốn học hỏi”. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng khi tốc độ thay đổi ngày càng nhanh, không ai có thể biết hết mọi thứ. Hiểu rõ những gì mình không biết quan trọng không kém so với hiểu những gì mình đã biết. Người lãnh đạo phải chấp nhận rằng những người khác có thể biết nhiều hơn mình, đồng thời cần học cách tôn trọng và lắng nghe ý tưởng, ý kiến của người khác. Lãnh đạo cần có khả năng tiếp nhận phản hồi và chuyển đổi từ một chuyên gia thành người hỗ trợ.

“Thích ứng” tập trung vào ngắn hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng trong thế giới thay đổi liên tục, loài có khả năng thích ứng tốt nhất mới có thể tồn tại. Người lãnh đạo cần sẵn sàng thay đổi nhận thức và giải quyết những vấn đề phức tạp. Dù lập kế hoạch là cần thiết, họ vẫn phải linh hoạt và đánh giá lại kế hoạch khi có những biến động mới.

“Tầm nhìn xa” là yếu tố dài hạn. Mặc dù ngắn hạn có nhiều điều chưa rõ ràng, nhưng lãnh đạo phải duy trì một tầm nhìn dài hạn và kiên định với nó. Càng có nhiều thay đổi, tầm nhìn càng trở nên quan trọng hơn kế hoạch chi tiết, vì kế hoạch có thể thay đổi ngay ngày hôm sau. Do đó, sự kiên định với tầm nhìn dài hạn là yếu tố cốt lõi.

Cuối cùng, “tương tác” là yếu tố cảm xúc. Người lãnh đạo trong thời đại thay đổi nhanh cần luôn lắng nghe và truyền đạt rõ ràng. Họ phải luôn sẵn sàng tương tác, chia sẻ thông tin, kiến thức với mọi người, và dành phần lớn thời gian tương tác với thế giới bên ngoài, cả trực tiếp và trực tuyến.

Theo Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp và hội nhập

Xem thêm:

>>> Thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch

>>> Doanh nghiệp Lữ hành còn tồn đọng nhiều vấn đề trong bảo mật dữ liệu

Đăng bởi: Thùy Trang | 05 Tháng 10, 2024

Tin mới nhất